Rối nước Hồng Phong được biết đến với những con rối có hình thù ngộ nghĩnh cùng những vở diễn khá hài hước, mang đậm dấu ấn làng quê. Nhiều vở diễn chỉ đơn giản là diễn lại các hoạt động thường ngày của người nông dân, quanh năm chân lấm tay bùn, nhưng để lại cho người xem một ấn tượng khá đặc biệt…
Tồn tại sau 5 thế kỷ, Phường Rối nước Hồng Phong (thôn Bồ Dương, xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang, Hải Dương) vẫn luôn khẳng định được tên tuổi của mình, không chỉ trong nước mà còn vươn mình ra thế giới, tiếp tục lan truyền và phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Theo các cụ bô lão trong làng, nghệ thuật rối nước có từ khoảng thế kỷ 17. Trải qua nhiều thăng trầm và biến cố của lịch sử, Phường Rối cũng có lúc tưởng chừng như bị mai một, nhưng với sự đam mê con rối của những nghệ nhân nơi đây nên rối nước đã được khôi phục lại. Phường Rối nước Hồng Phong đang hoạt động thực chất được lập ra năm 1989, và cho tới năm 1992 mới được Sở Văn hóa huyện Ninh Giang (lúc bấy giờ là huyện Ninh Thanh) chính thức công nhận. Năm 1995, Hiệp hội Múa rối nước Việt Nam (UNIMA Việt Nam) ký quyết định công nhận Phường Rối nước Hồng Phong là hội viên chính thức của Hiệp hội.
Trải qua hơn hai mươi năm hoạt động chính thức, khôi phục và phát triển, Phường Rối nước Hồng Phong đã có những bước đi vững chắc, khẳng định được mình trong sự phát triển chung của loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian của cả nước. Gần đây nhất vào cuối năm 2013, Phường Rối nước Hồng Phong đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các bạn có thể đi du lịch Miền Bắc và ghé thăm làng nghề rối nước Hồng Phong để thưởng thức màn múa rối nước khá lý thú.
Không chỉ diễn trong các ngày lễ hội của làng, Phường Rối nước Hồng Phong còn mở rộng tham gia biểu diễn nhiều nơi trên cả nước và đã đạt nhiều thành tích đáng kể. Năm 1994, Phường tham gia Hội diễn múa rối nước toàn quốc đoạt Huy chương vàng, nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hải Dương, UBND huyện Ninh Giang. Năm 2004, Phường tham dự Festival Huế và nhiều lần biểu diễn tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, được nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa đánh giá cao. Tham gia Hội diễn múa rối nước tỉnh Hải Dương, Phường Rối nước Hồng Phong đạt thành tích xuất sắc, nhận nhiều bằng khen và huy chương. Từ đó, số bằng khen, giấy khen, huy chương mà Phường Rối đạt được cũng tăng lên. Xong phần thưởng cao quý nhất mà Phường Rối nước Hồng Phong có được đó sự mến mộ của nhân dân ở những miền quê mà Phường đến biểu diễn.
Ngoài sự mến mộ của nhân dân trong nước, Phường cũng nhận được sự yêu mến và đón nhận môn nghệ thuật này một cách hăng say từ những du khách nước ngoài như Pháp, Đức, Hàn Quốc… Không chỉ có thế, với sự đam mê và hăng say nghệ thuật rối nước của Việt Nam, Đoàn rối của Pháp cũng đã sang Việt Nam và tới Phường Rối Hồng Phong để học cách múa rối nước. Quả thực, nghệ thuật rối nước Hồng Phong có sức lan tỏa mạnh mẽ. Hàng năm, Phường đón khoảng hơn 4.000 lượt khách nước ngoài tới xem biểu diễn.
Có nhiều người hỏi rối nước có gì thú vị? Những ai đã từng được xem múa rối nước mới biết được cái thú vị và sức hút của nó.
Ông Phạm Văn Tòng, Trưởng Phường Rối nước Hồng Phong, người đã có hơn hai mươi năm gắn bó với nghề, chia sẻ về nghệ thuật tạo hình con rối: “Những con rối vô tri nhưng lại được những bàn tay khéo léo của nghệ nhân “thổi hồn” vào, khiến chúng trở nên sống động, nhất là khi ở dưới nước. Trước tiên để có những con rối phục vụ cho hoạt động múa rối thì các nghệ nhân trong làng phải tạo ra các nhân vật rối trước. Để những con rối có thể dễ dàng nổi trên mặt nước và để cho các nghệ nhân dễ dàng điều khiển, thì loại gỗ được chọn phải là gỗ sung, kích cỡ tùy thuộc vào nhân vật rối. Các nghệ nhân cũng phải tìm hiểu xem kích thước con rối là bao nhiêu cho phù hợp để khi cho rối xuống nước thì con rối chỉ chìm 1/3 còn 2/3 sẽ nổi trên mặt nước. Để có một nhân vật rối hoàn chỉnh thì quy trình làm khá phức tạp và cầu kỳ. Phải có sự liên tưởng để tạo hình thù cho con rối, từ đẽo thô cho tới phơi khô rồi đến chạm khắc, tô màu và cuối cùng là lắp ráp các hệ thống dây vào chân tay cho con rối. Từ đó, nghệ nhân điều khiển qua hệ thống dây nối thì con rối có thể cử động được”.
Những con rối được tạo ra có hình thù đơn giản, chủ yếu dựa trên những tích trò của những nghệ nhân nghĩ ra để chơi trong các ngày lễ hội. Lúc đầu, những tích trò cũng đơn giản như tái hiện lại các trò chơi hay những việc làm thường ngày của người nông dân như: chăn vịt, úp nơm, đi cấy hay là sóc leo cây, Tễu vuốt râu rồng, đô vật, múa tiên… Sau là những tích trò như: vinh quy bái tổ, rước Trạng về làng… Những tích trò này lúc trước chỉ để diễn trong các dịp lễ hội, nhưng những năm trở lại đây được diễn phổ biến hơn do có khách du lịch từ nước ngoài tới và muốn được xem Phường biểu diễn. Ông Tòng cho biết, ngày nào phường Rối cũng có buổi diễn phục vụ khách du lịch và chủ yếu là khách du lịch đến từ Pháp.
Để tạo nên sự thành công của một vở diễn thì giữa nhạc, lời thuật của nghệ nhân xướng lời và hành động của con rối dưới nước phải ăn khớp với nhau. Cả ba yếu tố kết hợp lại tạo nên một vở diễn hoàn chỉnh hài hòa, làm cho người xem có cảm giác như các nhân vật rối đang làm những công việc giống như thật, mang tới sự say mê, hào hứng.
Khi được hỏi về múa rối nước, cụ Bính, một người cao tuổi trong làng, hào hứng: “Tôi là người trong làng, xem múa rối cũng nhiều nhưng tôi chẳng bao giờ thấy chán. Càng xem tôi càng thấy hào hứng, nhất là đoạn mở đầu mỗi vở diễn rùa vàng ngậm khói lặn sâu trong nước rồi bất ngờ nhô lên phun ra khói xanh, đỏ, tím, vàng, đôi ngựa sóc thì phi ra giao đấu múa tít quay cuồng không phân thắng bại, rồi bất ngờ cờ lọng từ dưới nước tung lên bay phần phật trong gió… Ngày nào tôi cũng ngồi ngoài đình làng cùng mấy ông bạn để đợi có ca biểu diễn là xem vì ở đây hầu như ngày nào cũng có ít nhất một ca diễn. Tôi ít khi bỏ lỡ buổi diễn nào trừ khi có công chuyện”.
Rối nước là một môn nghệ thuật có vai trò quan trọng trong đời sống của người dân Hồng Phong, nó vừa là một trò giải trí lành mạnh, vừa là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân. Đồng thời, với những vở diễn đi vào cuộc sống, rối nước còn có khả năng thông tin hiệu quả, cổ vũ toàn dân thực hiện một cách nhanh chóng và nghiêm chỉnh các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Nghệ thuật Rối nước Hồng Phong mang đậm dấu ấn bản sắc dân tộc cần được bảo tồn và phát triển hơn nữa. Hiện chính quyền sở tại và các cấp chính quyền huyện, tỉnh đã có những đề án nhằm bảo tồn và phát triển bền vững môn nghệ thuật này.